Nguyễn Văn Đức và Chu Văn Dương (ở Thanh Oai, Hà Nội) mua lại xe ô tô không giấy tờ ở nhiều địa phương, sau đó tìm cách “chế biến” giấy tờ để bán kiếm lời.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2018, anh N.N.H. (39 tuổi, ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) mua một xe ô tô nhãn hiệu Honda City màu sơn trắng, đăng ký biển kiểm soát 30F-058.32 để cho thuê xe tự lái.
Ngày 11/2, anh H. cho Nguyễn Thị Tuyền (27 tuổi, ở huyện Văn Bàn, Lào Cai) thuê, nhưng sau đó không liên lạc được với chị Tuyền và không biết xe ô tô của mình ở đâu.
Anh H. tự đi tìm chiếc xe ô tô của mình trên mạng xã hội Facebook thì nắm được thông tin xe đang ở gara ô tô ABC của Nguyễn Văn Đức (36 tuổi, ở phường Trưng Vương, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).
Sau khi tiếp nhận trình báo của anh H., Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xác minh và tạm giữ được phương tiện xe ô tô.
Quá trình điều tra, xác định từ năm 2022 đến tháng 3/2023, Nguyễn Văn Đức cùng Chu Văn Dương (30 tuổi, ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội) mua lại các xe ô tô không có giấy tờ từ nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Sau đó, Đức và Dương lên mạng xã hội Facebook tìm mua bộ giấy tờ, biển kiểm soát, số khung, số máy cắt rời từ những xe ô tô bị tai nạn có đặc điểm, nhãn hiệu, năm sản xuất tương tự với xe ô tô đã mua.
Hai đối tượng sau đó dùng máy mài xóa số khung, số máy nguyên thủy trên các xe ô tô mua được, rồi tiến hành hàn, dán số khung, số máy đặt mua được qua mạng để sử dụng bộ giấy tờ, biển số rút hồ sơ gốc và rao bán lại cho người khác với giá cao để kiếm lời.
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, vụ việc trên là bài học để người dân nâng cao cảnh giác, thận trọng trong quá trình giao dịch mua bán xe ô tô cũ.
Khi mua xe ô tô cũ, người dân cần thực hiện việc kiểm tra thông tin số khung (VIN) trên hộp điều khiển (hộp đen) với thông tin đăng ký xe và số khung, số máy gắn trên xe ô tô để xác định nguồn gốc xe và thực hiện việc mua bán xe theo quy định pháp luật.
Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra, mở rộng theo quy định pháp luật.